Làm sao để bảo vệ mình trước lừa đảo tài chính ?
Cẩn thận không là ăn “bánh vẽ” đấy! |
Sự bùng nổ của công nghệ đã tạo nên một tầng lớp người giàu mới, khi họ là những người đồng sáng lập, nhân viên chủ chốt, hay nhà đầu tư khi công ty còn non trẻ. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sức nóng của cổ phiếu ngành công nghệ cũng mang lại những khoản đầu tư sinh lợi đầy hấp dẫn.
Việc đầu tư tài chính vì thế cũng dần được gắn với công nghệ, tiêu biểu là blockchain, crypto, AI v.v… Vì nghe rất “sang”, nên những phương thức đầu tư tài chính này trở thành một cám dỗ mạnh với nhiều người.
Lợi dụng điều này, gần đây có nhiều hình thức mời gọi đầu tư online thông qua các sàn giao dịch tài sản số. Đi đầu phong trào này là những nhân vật tự phong là “chuyên gia đầu tư 4.0”, “đại tỷ thổi nến” hay “chuyên gia đọc lệnh”.
Trong bài viết này, tôi sẽ chỉ ra những dấu hiệu lừa đảo, phương pháp lật tẩy những “chuyên gia” dỏm này, đồng thời gợi ý cho bạn những cách để bảo vệ bản thân.
Table of Contents
5 dấu hiệu lừa đảo phổ biến
Dấu hiệu 1: Mời ăn “bánh vẽ“
Dấu hiệu đầu tiên là người rủ rê đầu tư vẽ cho chúng ta thấy một viễn cảnh làm giàu nhanh. Họ sẽ cố gắng cho ta thấy rằng việc kiếm tiền là rất dễ dàng và không mất nhiều thời gian.
Những người này sẽ minh họa cho chúng ta những con số lợi nhuận hấp dẫn. Chẳng hạn, họ mời chào “đầu tư 500 USD, bạn có thể lấy lại vốn gốc trong 2-3 ngày”, hoặc “thấp” hơn là 1%/ngày và còn được bảo hiểm.
Chao ôi, nếu 1%/ngày thì tính theo lãi kép cho 1 năm có 365 ngày sẽ là 3.678,34%/năm. Trong khi đó, chỉ số MSCI USA, vốn đại diện cho giá cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn và trung bình ở Mỹ, cũng chỉ có mức tăng trung bình 18,78%/năm trong vòng 3 năm gần đây. Mà đây còn là giai đoạn tăng rất mạnh của chứng khoán Mỹ.
Không những thế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rất ít nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể vượt qua được chỉ số chung của thị trường.
Nhìn vào những so sánh này, ta sẽ thấy mức lợi nhuận 1%/ngày là con số không tưởng. Nếu giả dụ ai có bí quyết để tạo được lợi nhuận như thế này thật, thì chắc chắn họ cũng sẽ không bao giờ mời gọi người khác.
Dấu hiệu 2: Tạo sự tin tưởng
Dấu hiệu thứ hai là người rủ rê đầu tư tạo sự tin tưởng qua những vật chất xa xỉ. Họ rất hay đăng trên mạng xã hội những tấm ảnh hay video khoe sự “giàu có”. Bạn có thể bắt gặp họ xuất hiện cùng các siêu xe, du thuyền, máy bay riêng, biệt thự, đồ hiệu, đồng hồ, nữ trang, hay những nơi sang trọng đắt tiền.
Sự tin tưởng còn được tạo dựng qua các bằng cấp, chứng chỉ hay chứng nhận thành viên của một tổ chức nào đó. Họ cũng có thể khoe ảnh chụp cùng những người có ảnh hưởng lớn.
Dấu hiệu 3: Thao túng tâm lý đám đông
Dấu hiệu thứ ba là những người rủ rê sử dụng thành thạo tâm lý đám đông. Thông thường, họ sẽ nêu ra nhiều trường hợp khác đã tham gia, bao gồm những người mà chúng ta có thể đã biết trước.
Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp lừa đảo, họ đã thuê những người nổi tiếng trong giới showbiz để quảng bá. Tâm lý đám đông còn được áp dụng khi họ tạo ra môi trường mà ở đó có nhiều người xung quanh “con mồi” ủng hộ hay đồng ý tham gia. Điều này phổ biến nhất ở những sự kiện đông người.
Dấu hiệu 4: Tặng quà miễn phí
Dấu hiệu thứ tư là người rủ rê sẽ tặng cho chúng ta cái gì đó miễn phí. Đó có thể là những buổi hội thảo kèm tiệc ăn uống miễn phí, những giỏ quà miễn phí, hay thậm chí hoa hồng giới thiệu tham gia.
Nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy đây là một thủ thuật marketing trong nhiều ngành nghề, và không phải lúc nào nó cũng có dụng ý xấu.
Dấu hiệu lừa đảo 5: Đánh vào tâm lý FOMO
Dấu hiệu thứ năm là người rủ rê sẽ tạo áp lực khan hiếm, gấp rút để hối thúc “con mồi” tham gia.
Ví dụ, họ sẽ dụ dỗ bằng cách nói với bạn “cơ hội này hiếm có lắm”, “chỉ còn suất này nữa thôi”, hay là “chỉ còn áp dụng trong vòng 48h nữa”.
xem thêm các bài viết liên quan